Tuần trước, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đưa tin, CSSC - một trong những tập đoàn đóng tàu nổi và tàu ngầm thuộc quyền sở hữu của nhà nước Trung Quốc tại Vũ Hán đã tích cực hoạt động thêm giờ kể từ ngày 3/3 để bù lại quãng thời gian phải dừng hoạt động vì lệnh phong tỏa thành phố.
Đáng chú ý, theo website của CSSC, cơ sở này đang tiếp tục tiến hành một "dự án lớn bí mật". Đài VOA của Mỹ cho biết, hiện chưa có thêm thông tin nào về dự án được đề cập này.
Ông Collin Koh - nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết, Trung Quốc xem Vũ Hán là một cơ sở quan trọng trong việc đóng các loại tàu chiến phục vụ Hải quân.
Các nhà máy ở trung tâm công nghiệp miền trung Trung Quốc đã cho ra đời nhiều tàu ngầm phục vụ xuất khẩu sang các nước, chẳng hạn như Pakistan.
"Vũ Hán là thành phố công nghiệp quan trọng, khi đề cập tới năng lực sản xuất nội địa để phục vụ chương trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, cũng như khi đề cập tới các đơn hàng xuất khẩu tàu ngầm. Nơi này ngày càng trở thành viên ngọc quý của ngành xuất khẩu vũ khí Trung Quốc hiện tại và tương lai " - ông Koh nhận định.
Theo tổ chức nghiên cứu quốc phòng GlobalSecurity.org tại Mỹ, 10 năm trước, nhà thầu quốc phòng - công ty công nghiệp đóng tàu Wuchang của Trung Quốc - đã xây dựng một khu phức hợp với diện tích 3,3 km2 ở Vũ Hán. Cơ sở này đã "có sự đóng góp đáng kể đối với chương trình nâng cấp thiết bị hải quân và phòng thủ quốc gia của Trung Quốc".
Công ty Wuchang đã cho đợt công nhân thứ hai trở lại làm việc vào ngày 26/3 tại một nhà máy được tái mở cửa vào ngày hôm sau. Công ty con này của CSSC phụ trách đóng tàu nổi và tàu ngầm.
Mặc dù Vũ Hán nằm cách biển 840km nhưng các con tàu, sau khi được hoàn thiện, sẽ được đưa ra bờ biển Trung Quốc qua sông Dương Tử.
Ngoài cơ sở đóng tàu, theo ông Alexander Huang, giáo sư các nghiên cứu chiến lược về quốc phòng tại Đại học Tamkang, Đài Loan, tại Vũ Hán còn có một trường quân sự, một trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa sinh và các cơ sở hậu cần quân sự.
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang lợi dụng diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 để củng cố lực lượng quân sự tại các vùng biển gần nước này. Trong ảnh: Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (Nguồn: Popular Mechanics)
Nhiều khu vực tại Trung Quốc, trong đó có Vũ Hán, đã bắt đầu cung cấp điện trở lại vào tháng Ba, sau nhiều tuần phong tỏa khiến người dân không thể trở lại làm việc. Hãng thông tấn Xinhua cho biết, khoảng 50.000 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại Vũ Hán cho đến ngày 19/3.
Các chuyên gia nhận định, việc nối lại công tác đóng tàu sẽ cho phép Trung Quốc đảm bảo hoạt động của lực lượng cảnh sát biển và các hoạt động quân sự khác của nước này gần Đài Loan và tại Biển Đông, ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Giáo sư các vấn đề hàng hải quốc tế Jay Batongbacal tại Đại học Philippines cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng bối cảnh hiện nay khi củng cố lực lượng quân sự tại các vùng biển gần nước này.
Trong khi đó, theo ông Koh, công tác chế tạo tàu ngầm ở Vũ Hán có lẽ liên quan tới các đơn hàng xuất khẩu. Vị chuyên gia đánh giá, hoạt động xuất khẩu sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc nhưng với tốc độ chậm do nhu cầu sụt giảm từ các nước phương Tây đang phải chống chọi với COVID-19.
Trước đó, vào năm 2015, Pakistan đã thông báo về kế hoạch mua 8 tàu ngầm Trung Quốc. Ngoài ra, theo các báo cáo truyền thông từ Bangkok, Thái Lan dự kiến sẽ tiếp nhận 3 tàu ngầm Trung Quốc vào năm 2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét