Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh?

Đã gần 2 năm kể từ khi trào lưu phim cung đấu đi qua với 2 tác phẩm “Diên Hy Công Lược” và “Hậu Cung Như Ý truyện” lần lượt phát sóng. Sau 2 năm, fanpage Việt Nam của bộ phim “Như Ý truyện” vẫn không ngừng tăng lượt theo dõi (gần chạm mốc 100.000, trong khi một fanpage khác gần 50.000), các bài post từ những fanpage này vẫn đều đặn chạm mốc nghìn like hàng ngày. 

Dù dòng phim cung đấu bị hạn chế sản xuất và cấm phát sóng đủ đường tại Trung Quốc, “Hậu Cung Chân Hoàn truyện” vẫn đang được chiếu đi chiếu lại không mệt mỏi tại đây với tần suất huyền thoại được sánh ngang với “Tây Du Ký” và “Hoàn Châu Công Chúa”, trở thành một bộ phim kinh điển của người Trung Quốc, được HBO mua lại phát sóng tại Mỹ. Chuyện đấu đá của những người phụ nữ chốn cung cấm trên màn ảnh đã vượt khỏi phạm vi một tác phẩm, một trào lưu nhất thời mà trở thành hiện tượng văn hóa đang tác động sâu sắc đến xã hội.

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 1.
Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 2.

Quay ngược về bộ phim cung đấu đầu tiên, “Thâm Cung Nội Chiến” của đài truyền hình TVB ra đời 16 năm trước được thừa nhận là bộ phim đã khởi nguồn cho trào lưu phim cung đấu sau này. Ra mắt vào 2004, bộ phim phá mọi kỷ lục trong lịch sử của TVB về tỷ suất xem đài, là tác phẩm duy nhất mà toàn bộ 4 nữ chính đều được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất; gom góp mọi giải thưởng và gây tiếng vang khu vực.

Vu Chính của “Diên Hy Công Lược” không hề phủ nhận mình là một fan cứng của “Thâm Cung Nội Chiến”. Ông không chỉ mời cho bằng được nhà soạn nhạc của “Thâm Cung Nội Chiến” để làm nhạc nền “Diên Hy Công Lược”, mà còn đem về 1 trong 4 nữ chính năm xưa - Xa Thi Mạn để vào vai Kế Hoàng Hậu.

"Giống như tất cả các ván cờ khác, chơi hay không đều do mình tự chọn. Nếu đã chơi ván cờ đó thì đi đến nước nào cuối cùng cũng là mình tự làm, không thể trách người khác nửa lời".

Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu

Rất nhiều người bất ngờ khi cảm hứng để làm ra tác phẩm kinh điển khai sinh ra cả một dòng phim cung đấu lại có ý tưởng từ những mâu thuẫn, đấu đá của chị em phụ nữ chốn công sở. Biên kịch vàng của TVB Châu Húc Minh giải thích: “Bối cảnh cung cấm trong phim chỉ là vỏ bọc để chúng tôi nói chuyện hiện tại. Câu chuyện về những cuộc “tranh quyền đoạt lợi” của phụ nữ diễn ra trong một công ty hay trong gia đình chắc chắn sẽ không thể hấp dẫn bằng đưa cuộc chiến ấy vào chốn hậu cung, nơi mà mọi mâu thuẫn có thể đẩy lên đến tận cùng” .

Nếu soi xét kỹ, những tác phẩm cung đấu đi vào lòng người nhất đều là tác phẩm mang thông điệp gần gũi với cảm xúc con người hiện đại. Hành trình của Chân Hoàn từ một thiếu nữ ngây thơ trở thành một thái hậu chính là mô típ “Vịt hóa thiên nga” kinh điển mà xã hội nào cũng ưa chuộng. Điểm đột phá là chúng ta không có Tấm và Lọ Lem với sự trợ giúp của Bụt và Bà Tiên đỡ đầu mà Chân Hoàn phải đơn độc sinh tồn, phải từng bước khôn ngoan, thậm chí tàn nhẫn để vượt qua hết những âm mưu hãm hại, những bất công oan ức của mình. Hành trình bước vào cung cấm của Chân Hoàn hay Anh Lạc rất đỗi thân quen với những người trẻ bước chân vào một xã hội phức tạp chồng chéo những quy luật ngầm.

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 4.

Cũng như ngoài đời, trên phim hành trình của các nhân vật cung đấu có bạn, có thù; có sự ủng hộ động viên, có sự ức hiếp và có cả những thất vọng, trở mặt. Chính hành trình từng bước đi lên nhưng cũng dần đánh mất sự hồn nhiên ở mỗi nhân vật biến các bộ phim cung đấu trở thành một dạng cổ tích truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ hiện đại, thay thế những mô típ đơn giản truyền thống.

Chính vì mượn chuyện thâm cung để nói mâu thuẫn ngày nay, phim cung đấu luôn có những lời thoại, triết lý đắt giá mà người trẻ tâm đắc. 16 năm trước, cung nữ An Xuyến của Thâm Cung nội chiến đã dạy bảo lính mới thế này: "Chủ nhân giao cho em việc gấp, dù em có tài năng làm sớm trước hẹn cũng đợi đúng hẹn mới giao lại cho họ. Giao cho họ quá sớm, người ta sẽ biết em có bản lĩnh, những yêu cầu dành cho em về sau sẽ càng gấp hơn, quá đáng hơn" . Câu thoại này đến tận ngày nay vẫn đúng tâm lý của các nhân viên "Agency", nhất là đối với mối quan hệ giữa các "Account" và "Client". 

Hay lời thoại xót xa: "Lúc tình cảm nồng đượm thì nói không hết chuyện. Bây giờ mỗi khi mở lời chỉ sợ làm tổn thương nhau. Im lặng là tốt nhất" chẳng phải dành riêng cho Như Ý và Hoàng đế Càn Long mà đủ sức tạo đồng cảm với bất cứ ai từng đi đến giai đoạn chán nản, tuyệt vọng của mối quan hệ yêu đương, vợ chồng.

“Chủ nhân dặn dò ngươi làm việc, dù đã làm xong từ sớm, nhưng cũng phải đợi đến kỳ hạn mới trình báo, nếu không lần sau sẽ giao cho ngươi nhiều công việc hơn”.

An Xuyến

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 6.

Tác phẩm tranh của tác giả Albus119

Bên cạnh đó, phim cung đấu luôn tạo được sức hút với người xem bởi diễn viên đẹp, những tạo hình cầu kì, bối cảnh xa hoa và lộng lẫy. Dù có độ dài vài chục tập, phim cung đấu khó mà trở nên nhàm chán bởi tuyến nhân vật phong phú, sự xuất hiện của mỗi nhân vật lại đem đến một câu chuyện, một cú "twist" riêng. Một khi đã "sảy chân" vào phim cung đấu, hiếm khán giả nào chỉ xem bộ phim ấy một lần duy nhất mà thường xem đi xem lại nhiều lần để chiêm nghiệm kĩ lưỡng từng tình tiết nhỏ.

"Các tác phẩm cung đấu rất hấp dẫn người trẻ, trước hết vì nó thỏa mãn những ức chế bị ức hiếp của khán giả ngoài đời thường. Nhân vật Ngụy Anh Lạc là mẫu nhân vật có thù thì phải trả ngay, điều này rất đúng với tâm lý những người trẻ hiện nay. Các bộ phim còn mang đến cảm hứng rằng chúng ta có thể học được cách để xinh đẹp, phong thái cao sang, quyền lực. Sâu xa hơn, cung đấu còn phần nào thỏa mãn được trải nghiệm làm người ác một cách an toàn".

Nhạc sĩ, nhà văn Hamlet Trương

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 8.

Được đón nhận cuồng nhiệt nhưng văn hóa phim cung đấu và việc giới trẻ cuồng phim cung đấu chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc - cái nôi của phim Cung đấu đã có những quy định chặt chẽ với dòng phim này như: Giới hạn số lượng phim hàng năm, giới hạn số tập, giới hạn giờ chiếu, kiểm duyệt nội dung kỹ càng, phim được đầu tư trăm tỷ cũng phải chiếu mạng...

Việc những bộ phim được yêu thích cuồng nhiệt, giới trẻ xem đi xem lại từ 60 đến 80 tập đã khiến một bộ phận khán giả quá đắm chìm, không còn phân biệt nổi giữa hư cấu và lịch sử. Thay vì phân tích và chiêm nghiệm về nhân vật trong bộ phim, nhiều khán giả đi xa đến mức mạt sát số phận lịch sử của tiền nhân, tranh cãi với nhau và nhục mạ, chì chiết những nguyên mẫu lịch sử bằng những ngôn từ khá nặng nề.

Mới đây, nhiều dữ liệu lịch sử được phân tích đã cho thấy trong lịch sử, Kế Hoàng Hậu và Lệnh Phi của Càn Long không những không ghét bỏ nhau mà còn có mối quan hệ tốt đẹp. Trong khi đó, cả “Diên Hy Công Lược” lẫn “Hậu Cung Công ty dịch thuật Sài Gòn Blog Như Ý truyện” đều xây dựng cả hai là đối thủ một mất một còn, dù một bên là Lệnh Phi thông minh lanh lợi, một bên là Lệnh Phi hèn hạ, ham hư vinh.

Thực tế lịch sử của chốn hậu cung không ai có thể biết rõ 100%. Những cạnh tranh, âm mưu chắc chắn là sẽ có ở triều đại này, đời vua kia nhưng phim cung đấu đang tạo cho giới trẻ một ấn tượng sai lầm rằng hậu cung thời nào cũng hãm hại tàn khốc, giết nhau để sinh tồn đẫm máu...

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 9.

Nguy hiểm hơn, các nhà xã hội học cho rằng thể loại cung đấu như một nhát dao đâm sau lưng xã hội hiện đại, đưa vào người trẻ những tư tưởng lệch lạc và méo mó, cho rằng chuyện hãm hại người khác, sống “ác” để đạt được mục đích là bình thường. Ngay từ 2004, “Thâm Cung Nội Chiến” đã gây sốt khắp các diễn đàn online của Hongkong. Chưa có mạng xã hội, các forum ngày ấy sôi nổi bàn tán về những tình tiết hãm hại, mưu kế, liên minh tạm thời của bộ phim hay khen ngợi sự chân thực, gần gũi với loạt mâu thuẫn thị phi trong đời chốn công sở.

"Tôi nghĩ phim cung đấu chỉ tạo ra trào lưu nhất thời chứ bản thân bộ phim chưa đủ nội hàm để gây ảnh hưởng lớn lao đến xã hội. Chẳng nhẽ người ta phát cuồng xem phim Marvel xong rồi ai cũng đòi làm siêu anh hùng? Việc nói cung đấu gây ảnh hưởng đến tâm lý có thể là sự lo xa".

Blogger, biên tập viên điện ảnh

Trái ngược với quan điểm trên, biên kịch kiêm nhà sản xuất phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ, "mẹ đẻ" của nhiều bộ phim nổi tiếng như "Grey's Anatomy", "How To Get Away With Murder", "Scandal"... - Shonda Rhimes từng chia sẻ: " Đời sống của một nhân vật trên phim điện ảnh rất ngắn ngủi, chỉ khoảng 2 tiếng nên sự gắn kết tâm lý của người xem với hành trình nhân vật trong phim truyền hình thân mật hơn rất nhiều. Nếu dài trên 50 tập phim thì bạn còn ở bên họ, chia sẻ cảm xúc cùng họ nhiều hơn một số bạn bè và thành viên trong gia đình" .

Vậy nên, Shonda Rhimes đã khẳng định sự ảnh hưởng của phim truyền hình dài tập lên tâm lý của khán giả là không hề nhỏ:  "Khi bạn đi trên hành trình của họ, bạn học hỏi, va vấp và vui buồn cùng họ thì ảnh hưởng tâm lý từ các nhân vật trên phim truyền hình lên bạn là rất lớn, tương đương với một người bạn thân thiết".

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 11.

Theo một khảo sát trên Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đối tượng xem phim cung đấu và quan tâm đến các thông tin xoay quanh phim cung đấu thuộc độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi. Một giảng viên bộ môn "Tâm lý học" thuộc trường Đại học Y dược chia sẻ: "Khả năng vận hành não bộ và ghi nhớ từng chi tiết của con người sẽ đạt tối ưu vào năm 18 tuổi. Tới năm 22 tuổi, con người sẽ bắt đầu nhận diện, tiếp thu tốt nhất những câu chuyện, dữ liệu mới trong cuộc sống. Việc các bạn trẻ theo dõi phim cung đấu trong một khoảng thời gian dài, mỗi ngày đều tiếp nhận các tình tiết mới của bộ phim, dù ít dù nhiều đều có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và lối tư duy".

"Tuỳ vào môi trường văn hoá với các sản phẩm giải trí, phương tiện thông tin đại chúng mà thế hệ trẻ tiếp xúc thì sẽ có sự tác động để hình thành thái độ, niềm tin, thói quen cư xử trong gia đình và xã hội".

Giảng viên Đại học Y dược

Không chỉ có thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều với phim cung đấu, "Diên Hi Công Lược", "Hậu Cung Như Ý Truyện"... cũng là các bộ phim từng "gây sốt" trong giới nhân viên văn phòng. Một Copywriter đang làm việc tại công ty quảng cáo bình luận: "Tôi thấy rất vô lý nếu như hết lần này đến lần khác, một cung nữ nhỏ bé chỉ nhờ vào cái miệng lanh lẹ mà thoát cơn thịnh nộ của những con người quyền lực nhất triều đại phong kiến là Thái hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu. Các cô gái công sở tuyệt đối đừng học theo Nguỵ Anh Lạc mà "cãi chày cãi cối" với sếp như vậy" .

16 năm sau, cung đấu đã đi sâu vào đời sống của khán giả trẻ. Bất cứ thị phi, tranh chấp lắt léo nào cũng được những người trẻ so sánh là “không kém cung đấu”. Nhiều fanpage còn say mê thuật lại các tranh chấp hậu trường của dàn diễn viên theo phong cách hậu cung và phân chia diễn viên này là quý phi, diễn viên kia là quý nhân đầy hăm hở. Không ít các khán giả say mê cung đấu tự gọi mình là quý phi, thường xuyên chia sẻ những mâu thuẫn đời thường của mình thành một “drama” chốn hoàng cung - nơi mình là vai chính, mọi nhân vật khác là phản diện, dơ bẩn; chửi bới những ai mình không vừa ý “bổn cung” là hạ tiện.

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 13.

Dù rất cuốn hút nhưng phim cung đấu không phải không có những tình tiết gây tranh cãi về vấn đề đạo đức. Chẳng hạn như khi Chân Hoàn tự giết đứa con trong bụng rồi vu khống cho Hoàng Hậu, rõ ràng mục đích và kết quả không thể biện hộ cho chuyện vu khống. Đặt trong thời phong kiến, trong một câu chuyện hư cấu, tình tiết này có thể gây tranh cãi về đạo đức, nhưng sẽ là hoàn toàn sai trái nếu câu chuyện này diễn ra trong xã hội hiện đại. 

Vậy nên, phim cung đấu chỉ phản ánh một trong những khía cạnh của cuộc sống. Xã hội hiện đại bên cạnh những mâu thuẫn, va chạm thì ai cũng cần phải rèn luyện khả năng, học cách thích nghi và hòa nhập để đi lên. Khác với bối cảnh trong phim - nơi gia thế, nhan sắc và âm mưu chi phối, tại xã hội văn minh chúng ta phải học cách hóa giải mâu thuẫn và phát triển bản thân bằng năng lực chuyên môn trong ngành nghề của mình.

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 14.

Mang đến một góc nhìn nhẹ nhàng hơn về sự tác động của phim cung đấu đến đời sống hiện đại, nhà văn, nhạc sĩ Hamlet Trương chia sẻ: “Phim cung đấu cũng giống như phim tình cảm ngôn tình, lãng mạn Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tất cả đều là những chìa khóa mở ra những cảm xúc mà con người đang có thông qua loạt câu chuyện hư cấu, đẩy mọi nhu cầu cảm xúc lên đến tận cùng. Bản thân tác phẩm không đáng trách. Tôi cũng rất thích những bài học chiêm nghiệm của cung đấu nhưng rồi ra ngoài đời tôi vẫn là tôi, cư xử bình thường. Những ai tâm lý yếu, khi xem phim rất dễ bị "lậm" theo thì dù là cung đấu hay ngôn tình họ cũng đều mê muội. Đấy không phải là lỗi của bộ phim” .

Xét cho cùng, phim cung đấu cũng là một tác phẩm nghệ thuật, gợi mở cho rất nhiều chiêm nghiệm và cảm xúc tích cực. Việc đẩy mọi mâu thuẫn lên đến tận cùng làm người ta phải đau xót, tiếc nuối và suy ngẫm cho riêng mình.

Đến cuối cùng, Như Ý về cuối đời đi qua mọi âm mưu của hậu cung đã thở dài:  “Những mưu kế tranh đấu hãm hại không ngừng trong cung cấm này khiến người khác chán ghét đều là vì ân sủng, vì gia tộc, đã kéo theo biết bao nhiêu mạng người. Thật sự có đáng không? Nếu như tất cả mọi chuyện chưa từng xảy ra, Lang Hoa, Hy Nguyệt, Ngọc Nghiên, Lục Quân, còn Ý Hoan nữa, bây giờ sẽ như thế nào nhỉ? Lúc này họ có cùng ngồi nói chuyện thưởng trà với chúng ta không? Nói không chừng còn có Hoàng thượng nữa” .

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 15.

Là tác phẩm cung đấu đầu tiên, lại vấp phải nhiều tranh cãi về việc “sống ác”, nhưng khi đến kết cục, “Thâm Cung Nội Chiến” lại được khen ngợi vì cách nhìn đầy bao dung và tình cảm cho thân phận nhân vật. Đến đoạn kết cả 4 nhân vật nữ chính đều vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nhau; không có ai là xấu xa đáng chết mà cùng lúc đáng giận, đáng thương đáng thông cảm trong hoàn cảnh của mình ở chế độ phong kiến.

Có thể nói dù các nhân vật phải đấu tranh giữa những mâu thuẫn thì đến cuối cùng, thông điệp lõi của hầu hết các tác phẩm cung đấu không khuyến khích sống ác, không đề cao cách sống trả thù, drama hóa mâu thuẫn. Thông qua những âm mưu, các bộ phim thường lột tả sự day dứt, mất mát và bi kịch không có lựa chọn của thân phận phụ nữ.  Bản thân việc cùng khai thác những nhân vật giống nhau nhưng có câu chuyện khác nhau của “Diên Hy Công Lược” và “Hậu Cung Như Ý truyện” thực chất cũng là một cách để gợi mở cho người xem có cách nhìn đa chiều hơn về mọi sự vật sự việc mà mình biết.

“Hậu Cung Như Ý truyện” nếu tạm gác câu chuyện cung đấu là một câu chuyện rất chân thực về mối quan hệ hôn nhân, về sự thất vọng đến tột cùng của phụ nữ khi chồng mình thay đổi và đánh mất tình yêu của mình. Đối với những người trưởng thành, biết đâu họ sẽ bắt gặp trải nghiệm thật của mình trong câu chuyện cuộc đời của Hoàng hậu Như Ý, giống như Hamlet Trương nhận xét: "Tôi nghĩ các bà vợ xem phim này sẽ thấy ôi trời, có khi ông chồng đang nằm ngủ kế mình chẳng khác gì Càn Long"

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 16.

Bên cạnh đó, các bộ phim cung đấu có rất nhiều lời thoại triết lý sâu sắc. Ngay cả bộ phim “Thâm cung nội chiến” đã trải qua 16 năm vẫn khiến khán giả bất ngờ vì nhiều lời thoại không hề lỗi thời: 

“Người thông minh, cũng không thông minh cả đời. Kẻ ngu ngốc, cũng không ngu ngốc cả đời”.

Hoàng hậu

“Muốn lấy lòng đàn ông, hạ sách là nuông chiều họ hết mình làm họ thấy vô vị. Tốt hơn, là vừa xa vừa gần khiến họ muốn mơ nhưng không thể chiếm”.

Nhĩ Thuần

Bên cạnh đó, những bộ phim cung đấu còn là một cánh cửa gợi ra tò mò cho công chúng về thân phận và câu chuyện lịch sử. Có một bộ phận đông đảo khán giả đã say mê tìm hiểu thêm về dữ liệu lịch sử, tìm tòi về trang phục, văn hóa, lễ nghi nhờ phim quá đỗi hấp dẫn. Thậm chí kể từ sau khi cơn sốt phim cung đấu rộ lên, những nhóm tìm hiểu về sử Việt, văn hóa trang phục Việt lại đón nhận thêm nhiều thành viên mới, cùng tìm tòi bàn luận. 

Web-drama triệu view "Nam Phi Liên Hoàn Kế" của Nam Thư đã lấy cảm hứng từ phim cung đấu để xây dựng nên những tình tiết đấu đá duyên dáng, hài hước. Hay gần đây,  phim Việt Nam thời nhà Nguyễn - "Phượng Khấu" ra đời từ sự say mê phim cung đấu nói riêng và lịch sử nói chung của một ê-kíp trẻ. Trước thềm ra mắt, "Phượng Khấu" còn vướng phải những tranh cãi về trang phục xưa hay bối cảnh làm phim.  Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, những ý kiến trái chiều về "Phượng Khấu" cũng phần nào chứng tỏ một bộ phận giới trẻ đang hào hứng tìm hiểu lịch sử và văn hoá Việt Nam để có thể đưa ra góc nhìn riêng khi đón nhận phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam.

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 19.

"Phượng Khấu" là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam (Tác phẩm tranh của tác giả Albus119)

Phim cung đấu: Mượn thâm cung kể triết lý sống hiện đại hay cổ vũ sống ác qua phim ảnh? - Ảnh 20.

Tác phẩm tranh của tác giả Albus119

Tạm kết

Giống như bao tác phẩm nghệ thuật khác, phim cung đấu cũng hấp dẫn và lôi cuốn với những tình tiết gây đồng cảm cho người xem. Thưởng thức một bộ phim hay cũng là để khán giả có cơ hội nắm giữ chiếc chìa khoá mở ra khía cạnh tiềm năng bên trong mình.  Sẽ có người mở ra những khía cạnh nhỏ nhen, tăm tối của bản thân và cũng có những người khác hài lòng khi nhận được nhiều bài học chiêm nghiệm sâu sắc haycảm hứng tìm tòi lý thú, hoặc sự đồng điệu, rung cảm khi nhìn thấy mình qua các tuyến nhân vật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét